PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẨM GIÀNG
TRƯỜNG THCS NGUYỄN HUỆ
Video hướng dẫn Đăng nhập

CỤM DI TÍCH ĐỀN XƯA- CHÙA GIÁM- ĐỀN BIA
THỜ ĐẠI DANH Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH

Tuệ Tĩnh (1330 - ?) tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, biệt danh là Hồng Nghĩa. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, cha là Nguyễn Công Vỹ, mẹ là Hoàng Thị Ngọc, quê ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm thuộc vùng đất Hồng Châu (nay là làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

CỤM DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT
ĐỀN XƯA- CHÙA GIÁM- ĐỀN BIA THỜ ĐẠI DANH Y THIỀN SƯ TUỆ TĨNH

Di tích Đền Xưa

Di tích Chùa Giám

Di tích Đền Bia

1. Nhân vật lịch sử

Tuệ Tĩnh (1330 - ?) tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh thiền sư, biệt danh là Hồng Nghĩa. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, cha là Nguyễn Công Vỹ, mẹ là Hoàng Thị Ngọc, quê ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm thuộc vùng đất Hồng Châu (nay là làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Tuệ Tĩnh mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, được nhà sư Hải Triều ở Yên Trang (sau là có tên là chùa Nghiêm Quang tức chùa Giám ngày nay) nuôi ăn học, sau đó được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (nay là chùa Keo thuộc tỉnh Nam Định) tu học. Vốn là người thông minh, ham học, năm 22 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12 (1351) nhưng không ra làm quan mà tu ở chùa Nghiêm Quang (chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng) chuyên tâm nghiên cứu y học giáo lý, ông lấy vườn chùa làm cơ sở trồng thuốc. Trước tình cảnh nhân dân đói nghèo, bệnh tật, ông đã chế tạo được nhiều dược liệu, chữa bệnh không lấy tiền, huấn luyện tăng ni trong chùa trở thành thầy thuốc. Với phương châm “Nam dược trị Nam nhân”, ông chủ động đi tìm nhiều cây thuốc về trồng tại vườn chùa, gây dựng phong trào trồng thuốc trong nhân dân, thu trữ thuốc để kịp thời chữa bệnh. Với sự truyền bá các phương thuốc đơn giản và dược tính bằng thơ chữ Nôm dễ nhớ, dễ hiểu, Tuệ Tĩnh đã thúc đẩy nguồn dược liệu phát triển, xây dựng quan điểm y học dân tộc.

Năm Giáp Tý (1384), vua nhà Trần phái Tuệ Tĩnh đi xứ nhà Minh. Lúc đó, Hoàng Hậu nhà Minh đang mắc chứng bệnh hậu sản, các thầy thuốc đều không chữa khỏi. Tuệ Tĩnh đã dùng thuốc Nam chữa khỏi căn bệnh. Trước tài năng của ông, vua Minh đã phong ông làm “Đại y thiền sư” và cũng từ đấy, chúng giữ ông ở Kim Lăng. Một thời gian sau, ông mất tại Giang Nam vào ngày 15 tháng 2 năm Canh Thìn (1400). Hiện, ở Giang Nam vẫn còn mộ chí của ông.

Về thân thế của ông, đến nay, có nhiều tài liệu gồm nguồn sử chính thống và các nguồn sử liệu dân gian ghi chép khá đầy đủ. Về cơ bản, các nguồn tài liệu này đều có những điểm chung, cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, có một số điểm mà các tài liệu này ghi chép khác nhau. Sách “Tuệ Tĩnh toàn tập” do Nhà Xuất bản Y học Hà Nội xuất bản tại trang 9 có ghi: Năm 45 tuổi ông thi Đình, đậu Hoàng Giáp. Cuốn “Thần phả An trang” tại đền Yên Lư, xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng viết vào thời Lê, đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) có nội dung như sau: Vào đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) có tù trưởng Phạm Danh Gia, tên húy là Viết Trinh làm nghề buôn bán qua huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên ngày nay) thấy đất đai rộng rãi, sơn thủy vận hồi liền về quê mộ thêm bốn năm người xuống ở lập thành An trang khu (An Lư ngày nay). Sau một thời gian lập ấp, bệnh dịch hoành hành không phương cứu chữa . Một đêm Viết Trinh nằm mơ thấy Tuệ Tĩnh hiện về xưng là ông tổ, danh y thời nhà Lý. Nay thấy con cháu bị nạn, ta về cho bài thuốc để chữa. Tỉnh dậy, Viết Trinh đi tìm cây cỏ do Tuệ Tĩnh chỉ dẫn trong mộng, dập tắt được bệnh dịch. Từ đó dân lập miếu thờ Tuệ Tĩnh, tôn ông làm Thành hoàng. Thần phả không nói từ đâu tới An Lư nhưng họ Phạm ở Nghĩa Phú lưu truyền cụ là người họ mình. Theo Thần phả, cụ tổ họ Phạm An Lư là Tuệ Tĩnh. Mấy trăm năm qua đều truyền lại như vậy. Theo thần phả có thể suy ra cụ Phạm Tử Hư đỗ Thái học sinh triều Lý, làm quan vào cuối triều Lý, trước và sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh nên nhiều quan lại tiền triều bị ám hại. Cụ Phạm Tử Hư bỏ quan về quê, đổi tên thành Nguyễn Bá Tĩnh, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, đi ẩn dật tu hành khắp nơi, làm thuốc chữa bệnh, dấu tông tích để tránh bị hại. Nếu như vậy, Tuệ Tĩnh chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu nhà Tống (960 - 1279) chứ không phải hoàng hậu nhà Minh (1368 - 1644).

Như vậy, về thân thế của Tuệ Tĩnh còn có những dị bản. Đây là vấn đề thúc đẩy các nhà nghiên cứu, tìm tòi để thống nhất. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng Tuệ Tĩnh quê ở Nghĩa Lư (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), năm 22 tuổi ông thi đỗ kỳ thi Thái Học sinh là có căn cứ xác đáng hơn cả. Việc dòng họ Phạm tại tại Thủy Nguyên, Hải Phòng cho rằng ông vốn là người họ Phạm là một điểm mở ra những hướng mới để chúng ta tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn thân thế, sự nghiệp của vị Đại Danh y này.

Sự nghiệp của Tuệ Tĩnh chủ yếu được thể hiện trong lĩnh vực y dược học. Toàn bộ công trình nghiên cứu của ông được biên tập và soạn thành sách như “Dược tính nam chỉ” và “Thập tam phương gia giảm”. Hiện bản nguyên tác của ông không còn trọn vẹn do vào đầu thế kỷ XV, giặc ngoại xâm sang xâm lược nước ta, chúng đã phá hủy nhiều thư tịch lớn. Những bản hiện còn do người đời sau ghi chép qua truyền khẩu dân gian như: “Nam dược thần hiệu” do hòa thượng Bản Lai trụ trì chùa Hồng Phúc (nay thuộc Hòe Nhai, Hàng Than, Hà Nội) biên tập, bổ sung vào năm Tân Tỵ (1761). Cuốn “Nam dược chính bản” do triều vua Lê Dụ Tông biên tập sau đổi thành “Hồng nghĩa giác tư y thư” được in vào năm Đinh Dậu (1717) gồm quyển thượng và quyển hạ.

Trong cuốn “Hồng nghĩa giác tư y thư”, nhà xuất bản y học Hà Nội - 1978 lại chép, sách “Hồng nghĩa giác tư y thư” do Y viện triều Lê Dụ Tông xuất bản năm Quý Mão (1723). Trong đó, quyển Thượng “Nam dược quốc ngữ phú” gồm 590 tên vị thuốc nam và “Trực gải chỉ nam dược tính phú” gồm đặc tính của 220 vị thuốc nam. Quyển Hạ “Y luận” viết về các lý luận âm dương ngũ hành sinh hóa vào con người trong tiết khí 4 mùa, sự ảnh hưởng vào bệnh tật, cách điều trị lâm sàng. Cuốn sách “Thập tam phương gia giảm” phụ “Bổ âm đơn và dược tính phú” bằng chữ Hán là sách hướng dẫn gia, giảm khi dùng thuốc.

Cuốn “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh được Nhà xuất bản Y học Hà Nội in lần thứ 2 vào năm 1972. Bộ này gồm 11 quyển. Quyển đầu nói về dược tính của 119 vị thuốc nam, mười quyển sau, mỗi quyển nói về một khoa trị bệnh. Còn cuốn “Hồng nghĩa giác tư y thư” được Nhà xuất bản Hà Nội in năm 1978 gồm 9 phần lớn dày 319 trang (chưa kể lời giới thiệu của Nhà xuất bản và lời tựa của các quân y Viện triều Lê Dụ Tông).

Cả hai bộ sách của Tuệ Tĩnh đều có ảnh hưởng sâu rộng đến nền y học Việt Nam mà cho đến hôm nay, vấn đề lý luận và thực tiễn vẫn luôn được kế thừa và phát triển. Nhất là cuốn “Nam dược thần hiệu” từ trước đến nay vẫn được coi là kim chỉ nam cho nhiều thầy thuốc. Những phương pháp trị liệu của ông được sử dụng chữa bệnh rất hiệu quả mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - một bậc đại y tôn cũng chịu ảnh hưởng của Tuệ Tĩnh trong việc biên soạn quyển “Lĩnh Nam Bản Thảo”.

Ông nói: “Muốn giúp dân sinh trước tìm vị thuốc”. Với tinh thần đó, Tuệ Tĩnh không ra làm quan mà đi tu, tập trung năng lực và thì giờ vào sự nghiệp nghiên cứu y dược, tìm những phương thuốc đặc hiệu phù hợp với hoàn cảnh thiên nhiên, đất nước.

Song, với những tác phẩm còn lại cũng đủ xác nhận sự nghiệp y dược của ông là to lớn, giữ vai trò đặt nền móng cho y dược dân tộc ở những thế kỷ sau.

Trong 30 năm dòng, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, đưa các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông là người nắm vững y lý Đông y, có công đầu trong việc nghiên cứu dược tính và chẩn trị bằng thuốc Nam, huấn luyện các tăng ni làm thuốc và chữa bệnh, phổ biến cho mọi người những bài thuốc thông thường để có thể tự điều trị. Những tác phẩm y dược lớn và giá trị, tiêu biểu mà Ông để lại là hai cuốn:

Nam dược thần hiệu (còn có tên là Nam dược chỉ nam).

Hồng Nghĩa giác tư y thư (còn có tên là Thập tam phương gia giảm).

Trong Nam dược thần hiệu, ông đã tập hợp, nghiên cứu, hệ thống, tổng kết các phương pháp chữa bệnh, gồm 10 khoa, 2 môn, chữa 184 bệnh, bằng 3.873 phương thuốc. Sách còn ghi được 499 vị thuốc Nam bằng thơ chữ Hán và 82 vị có tên bằng quốc âm. Sách được khắc in vào năm Cảnh Hưng 22 (1761). Trong Hồng Nghĩa giác tư y thư cũng đề cập đến 500 vị thuốc Nam và 2 bài phú thuốc Nam về 620 vị, được khắc in từ năm Vĩnh Thịnh 13 (1717). Phần lớn các tác phẩm của Tuệ Tĩnh viết bằng thơ, trong đó một phần bằng quốc âm nên mọi người dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu. Những bài thuốc của Tuệ Tĩnh đến nay căn bản còn nguyên giá trị trong đời sống hàng ngày (3).

Nắm vững tri thức y học đương thời, thừa kế thành tựu trong và ngoài nước, Tuệ Tĩnh đã phát hiện nhiều vị thuốc và nâng cao nền y học cổ truyền. Ông nói: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”, và “Sách trời đã định cõi Nam bang, thổ sản cũng khác nhiều phương Bắc”. Những câu nói đó đã biểu hiện nhận thức sâu sắc về mối quan hệ con người với sinh cảnh và ý thức độc lập tự chủ cao cả. Ông phê phán kịch liệt tư tưởng mê tín dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin vào thuốc chữa bệnh. Ông đề ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh, như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, xông, giác, đắp thuốc...

Tuệ Tĩnh không dừng ở việc chữa bệnh thụ động, ông còn đi sâu nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Ông nhận thức được mối quan hệ giữa tư tưởng, tâm lý và bệnh lý, thấy được tác dụng của việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ; khuyên người ta sống trung chính để tránh những suy tư phiền muộn, coi đó là phương pháp phòng bệnh tích cực. Ông nhắc nhở mọi người một phương pháp dưỡng sinh cực kỳ quý báu mà ngày nay còn nguyên giá trị:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Theo y dược cổ truyền:

Bế tinh: Giữ gìn tinh chất, không hao phí tinh chất trong sắc dục quá độ là điều cốt yếu để giữ sức khỏe.

Dưỡng khí: là luyện tập để thở nhiều dưỡng khí để bồi dưỡng khí lực dồi dào thì cơ thể mới cường tráng, có sức hoạt động dẻo giai.

Tồn thần: Bồi dưỡng cái gốc của bế tinh, dưỡng khí, tinh thần phải được bồi bổ. Tinh thần tuy không phải vật chất nhưng giữ vai trò quan trọng trong việc bồi bổ sức khỏe. Tinh thần có sảng khoái mới tự tin, phấn chấn, từ đó sức khỏe mới ổn định và tăng cường.

Thanh tâm: giữ lòng cho trong sạch, ăn ở thật thà, chất phác, tránh mọi trạng thái buồn bực, tức giận…

Quả dục: giảm bớt dục vọng, hạn chế lòng ham muốn thái quá, không tham tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục…

Thủ chân: về y học là nắm vững cái chân khí, về tư tưởng là nắm vững quy luật của xã hội và tự nhiên, tôn trọng khách quan, chân thực, sống hòa mình với mọi người, tạo nên sự tự  tin, ổn định về tâm lý.

Luyện hình: thường xuyên rèn luyện thân thể, tức tích cực thể dục, thể thao, lao động chân tay, làm cho khí huyết lưu thông, làm tiêu tan các bệnh tật. 

Chỉ có một câu thơ lục bát, với 14 chữ mà nêu được 7 vấn đề cơ bản trong việc giữ gìn sức khỏe cho mọi người.

Ngoài y dược phục vụ con người, Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, phục vụ sản xuất, đặt cơ sở cho ngành Thú y dân tộc.

Về dược liệu, ông sắp xếp theo nhận thức của mình, không phụ thuộc vào việc sắp xếp của những sách nước ngoài đương thời, như đặt cây cỏ lên trên mà không đặt thủy, hỏa, thổ, kim, thạch lên trước như Trung Quốc.

Tuệ Tĩnh có cống hiến to lớn về lý luận và thực tiễn cho nền y dược dân tộc, sự nghiệp của ông không ngừng được kế thừa và phát huy. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người kế tục xứng đáng sự nghiệp của ông ở thế kỷ XVIII.

Trong lịch sử y dược dân tộc, duy có Tuệ Tĩnh được suy tôn là Thánh sư Nam dược.

 2. Đặc điểm các di tích

       2.1. Di tích đền Xưa

Di tích đền Xưa được xây dựng tại Nghĩa Lư trang, quê hương của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Làng còn có tên nôm là làng Xưa. Theo gia phả họ Phạm viết bằng chữ Hán (hiện còn) vào ngày tốt tháng 3 năm Tự Đức thứ 26 (1873) do tú tài Phạm Tử Cự đời thứ 15 của dòng họ Phạm soạn gia phả khắc bia có ghi: Cụ tổ họ Phạm tên hiệu là Ngư Ông, nhà cửa nghèo túng, vất vả, sinh sống bằng nghề đánh cá ở xã Nghĩa Lộ, huyện Nghiêu Phong (nay là hồ Yên Lập, xã Việt Hưng, Hoành Bồ, Quảng Ninh). Sau được thế đất đẹp, ngũ khí chiếu vào nhà, phía Nam lại có con chim sẻ ngọc đậu. Cụ bà cả sinh được một trai ở xã Nghĩa Lộ. Cụ bà hai về ấp sinh ra Tử Hư (Phạm Tử Hư – ông tổ dòng họ Phạm tại thôn Nghĩa Phú hiện nay) chuyển tới đất Thượng Hồng, lập trang trại đặt tên là Nghĩa Lư để không quên quê cũ. Thời Trần Nghĩa Lư thuộc Hồng Lộ, thời Lê Trung Hưng trở thành một xã có tên là Nghĩa Phú, thuộc tổng Văn Thai. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Nghĩa Phú là một xã thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Từ năm 1946, Nghĩa Phú thuộc xã Tuệ Tĩnh, huyện Cẩm Giàng. Ngày nay, Nghĩa Phú là một trong ba thôn (Nghĩa Phú, Phú Lộc, Hoàng Gia) thuộc xã  Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Nghĩa Phú là một làng cổ, được mệnh Danh là đất “địa linh, nhân kiệt", mảnh đất thiêng, sinh nhiều người tài giỏi. Trải qua các triều đại: Lý - Trần - Hồ - Lê - Mạc - Nguyễn, ngoài những vị đỗ đại khoa đảm nhiệm các chức vụ lớn trong triều như: Hành Khiển (Tể tướng), Thượng thư, Hàn Lâm học sĩ, Giám sát ngự sử thị lang,…gắn với các tên tuổi như: Phạm Tử Hư, Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Bá Tuân, Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh)... thì số người thi đậu cử nhân, tú tài, giám sinh Quốc Tử giám, làm tri phủ, tri huyện, thầy đồ, thầy giáo, thầy thuốc thời nào cũng có. Đã có một thời Nghĩa Lư trang là địa phương tiêu biểu, là niềm tự hào và vinh dự của quê hương. Bên cạnh đó, Nghĩa Phú cũng là quê hương của nhiều danh y, nhiều dòng họ có nghề Y - Dược gia truyền về từng môn, loại thuốc. Điển hình có chi họ 12 đời chuyên chữa bệnh bằng thuốc Nam đến nay vẫn còn thừa kế. (gia phả họ phạm)

Di tích đền Xưa được xây dựng chính xác từ năm nào, đến nay chưa xác định được. Tuy nhiên căn cứ vào những di vật, cổ vật, kiến trúc hiện còn như: sập đá, chân tảng đá hoa sen, sấu đá, các bức chạm gỗ… có thể xác định ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Đến thời Nguyễn di tích được trùng tu hai lần vào các năm Thành Thái nhị niên (1890) và Bảo Đại thứ 3 (1929). Trước đây, ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 05 gian Tiền Tế và 03 gian Hậu cung, hệ thống các cột, vì kèo được làm bằng gỗ, các đấu chồng, con rường đều được chạm khắc hoa lá cách điệu thanh thoát, nhẹ nhàng mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1990. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo một số di tích tiêu biểu gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Đại Danh y Tuệ Tĩnh, trong đó có di tích đền Xưa. Đây là đợt trùng tu lớn được tiến hành trong 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2006 đến năm 2008 trùng tu, tôn tạo nhà Tiền Tế 5 gian, Hậu cung 3 gian, nhà khách 5 gian, giếng nước và cầu đá vào đền; giai đoạn II, năm 2009 đến năm 2011 làm hệ thống sân, vườn thuốc, cổng trụ, tường bao xunh quanh di tích. (Đền Xưa và sự nghiệp đại Danh Y Tuệ Tĩnh - Hải Dương di thích và danh thắng  tập 1,tr 63)

          2.2 Di tích chùa Giám (chùa Nghiêm Quang)

Chùa Giám nguyên thủy có tên chữ là Nghiêm Quang Tự, do sư Hải Triều trụ trì, vốn nằm trên nền đất trống phía Đông huyện Cẩm Giàng bên hữu ngạn sông Thái Bình. Trước năm 1974, chùa thuộc thôn An Trang, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tên chùa Giám là gọi theo tên Nôm của làng Giám ở phía ngoài đê sông Thái Bình hiện nay (theo hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1974, tại Bảo tàng Hải Dương). Ngược dòng lịch sử thời Lê, Nguyễn, thôn An Trang (làng Giám) thuộc tổng An Trang, huyện Lang Tài, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), từ năm 1891, tổng An Trang được cắt về huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. (Theo hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1974, tại Bảo tàng Hải Dương)

        Làng Giám xưa nằm ngay sát ven sông Thái Bình, với hệ thống đê bồi thấp, hàng năm liên tục bị ngập lụt, trong đó có chùa Giám. Đặc biệt năm 1968, làng Giám bị chìm trong đợt lũ kéo dài. Năm 1971, UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) tiến hành tổ chức di chuyển dân và đến năm 1974, chùa Giám cũng được di rời theo việc di chuyển dân cư về vị trí hiện nay, cách vị trí cũ 7 km về phía Đông, làng có tên mới là Tân Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, chùa Giám vẫn được gọi theo tên làng Giám cũ. Theo các cụ cao niên của làng kể lại chùa được di rời trong thời gian 7 tháng, (từ ngày 15 tháng 7 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975), đều do nhân dân tự làm, các cấu kiện, vật liệu nhỏ, nhẹ thì chuyển bằng phương tiện gồng gánh, vật liệu nặng, lớn thì kéo bằng xe bò đôi, cả một ngôi chùa có kiến trúc đồ sộ lớn như vậy nhưng được nhân dân nâng niu giữ gìn, khi lắp giáp lại chỉ phải thay có 20 chiếc hoành của tòa Bái đường. Riêng tòa Cửu phẩm, ngoài các pho Tượng  trên các ván tòa sen bị trôi trong lũ lụt, còn lại nguyên vẹn đến ngày nay. Điều đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Sơn đối với một công trình kiến trúc nghệ thuật và vị Thánh thuốc Nam.

Chùa Giám được khởi dựng vào thời Lý, cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc”. các công trình được bố trí theo một trục dọc, hướng Tây gồm Tam quan, sân, tiếp đến là 7 gian Tiền đường nối với Tam bảo bằng một gian ống muống, tiếp đến Tòa Cửu phẩm Liên hoa và sau cùng là 7 gian nhà Tổ cùng 2 dãy hành lang khép kín không gian thờ tự. Bên cạnh chùa còn có Đình và Miếu (Nghe) thờ Thành hoàng làng.

Trải qua quá trình lịch sử, di tích đã được nhân dân địa phương và khách thập phương trùng tu tôn tạo nhiều lần. Theo nội văn Bia hiện còn lưu giữ tại chùa còn ghi lại: Vào tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696) ghi việc công đức tu sử nơi thờ Phật và Thường điện cùng cây thiên hương và hàng lang. Tiếp đó vào các năm Chính Hòa 22 (1701), Chính Hòa 24 (1703),Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706),  Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720),… nhân dân liên tục phát động công đức tu sửa trùng tu di tích. Đến năm Cảnh Hưng 36 (1775) nhân dân địa phương huy động công đức xây dựng Điện Thiên Đế.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, di tích đã có một số hạng mục công trình  bị xuống cấp. Song được sự quan tâm của các cấp, ngành Trung ương, tỉnh, huyện và các lòng hảo tâm công đức của quý khách thập phương, cán bộ và nhân dân toàn xã. Di tích vẫn tiếp tục được trùng tu tôn tạo với đầy đủ các hạng mục công trình như: Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, Hành lang, nhà Tổ, tòa Cửu phẩm, hệ thống sân vườn, tường bao và một số hạng mục nghè Giám. Ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1974 và là di tích được xếp hạng sớm nhất trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.

Chùa Giám là ngôi chùa có quy mô kiến trúc to đẹp, mang đậm dấu tích nghệ thuật thế kỷ XVII. chùa tọa lạc trên một khoảng đất rộng 2ha. Ngôi chùa có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” với đầy đủ các công trình như: Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà tháp Cửu phẩm, nhà khách, nhà Tăng, vườn cây, Pháp sư, nghè Giám. Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa.

Các công trình kiến trúc hiện nay vẫn được bố cục theo một trục dọc hướng Tây. Từ đường trục giữa của xã Cẩm Sơn đi vào sẽ gặp Tam quan ngoại (ngoài) được xây 1 tầng 4 mái bằng gạch xi măng, tiếp đến là Tam quan nội (trong)  xây 2 tầng 8 mái. Qua cổng Tam quan là hai bên vườn cây xanh, một hồ hình chữ nhật thả hoa súng. Cách một lối đi là hồ non bộ, vườn cảnh mô phỏng thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Liền đó là sân Tiền đường rộng lát gạch vuông màu đỏ, xung quanh là lối đi nối sang hai nhánh. Bên phải là 5 gian nhà khách thoáng mát với những cánh cửa gỗ chạm khắc hình nổi từng ô, rất kỳ công tạo thành những bức tranh ước lệ. nhà Tiền đường có chiều dài 18,9m, rộng 7,6m, gồm 7 gian 2 chái hạ xối, đao tàu, déo góc. Đặc biệt, tòa Tiền đường ở đây không cao, cột cái cao 2,8m, đường kính 33,1 cm, cột quân cao 2,1m, đường kính 26cm nhưng thân cột rất to. Cửa tòa Tiền đường đặt theo hàng cột thứ nhất, nên hiên rất rộng. Ở gian giữa có đóng ngưỡng chồng, cao tới 1m, có bốn cánh cửa ngắn bên trên, chức năng như cửa sổ. Cấu tạo của gian giữa như một tắc môn, đấy là một nét đẹp riêng, hiếm thấy ở các chùa khác. Cửa võng có bức chạm quần long tinh xảo, mang vẻ đẹp đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Lê, cũng hiếm thấy. Tại đây có treo quả chuông đồng, kích thước cao 1,25m, đường kính miệng 65cm. Trên thân chuông có khắc 4 chữ Hán “Nghiêm Quang chung tự” nghĩa là chuông chùa Nghiêm Quang. Quai chuông được tạo dáng hình rồng uốn cong, thân chia làm bốn múi, trang trí kỳ lân hoa sen cách điệu. Chuông có niên đại Thiệu trị thứ 6 (1846).

Từ Tiền đường, có một gian ống muống nối vào tòa Tam bảo rộng một gian hai chái nằm song song với Tiền đường. Tại gian ống muống có đặt hai ban thờ Đức ông (bên phải) và Tượng Đức Thánh Hiền (bên trái)

Tòa Tam bảo được bài trí 4 lớp tượng bằng gõ, sơn son thếp vàng, có niên đại thế kỷ XVII- XIX

Phía sau Tam bảo là khoảng sân rộng hình vuông, lát gạch đỏ. Khu vực này có nhà Cửu phẩm Liên hoa, phía trước có dựng một cây trúc đài bằng đá có tên “Nghiêm Quang Tự thiên đài trụ ký” nghĩa là trụ cây thiên đài của chùa Nghiêm Quang. Dựng năm Bính Tuất, Hoàng triều Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), cao 130cm, rộng 20cm, khoảng 500 chữ, nội dung ghi tên những người công đức. Nhà Cửu phẩm Liên hoa là một công trình kiến trúc bằng gỗ cao gần 8m với 4 cột cái, 16 cột quân cùng hệ thống xà nối, ván bưng đố lụa, các nghệ nhân xưa không dùng chốt giữ mộng nào, nhưng trải bao nắng mưa lịch sử suốt mấy trăm năm tòa kiến trúc vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Trong nhà Phẩm còn có tòa Cửu phẩm Liên hoa, kiến trúc theo kiểu chồng diềm, 3 tầng, 12 mái. Nhà phẩm và tòa Cửu phẩm Liên hoa lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII - XVIII). Tòa Cửu phẩm có cột cái gỗ lim khối lục lăng, mỗi mặt rộng 1,2m, cao 4,44m. Để tạo dựng kiệt tác này, các nghệ nhân xưa đặt cột trụ lim ở giữa, và 6 trụ chạm khắc hình trúc hóa long ở chung quanh, liên kết trụ giữa với các cột chung quanh bằng một hệ thống xà gánh đan chéo hình múi khế; xà ngang chia tháp thành 9 tầng hoa sen (nên mới gọi là Cửu phẩm Liên hoa), mỗi tầng 5 lớp cánh. Mỗi cạnh của tòa Cửu phẩm đặt 3 pho tượng Phật, mỗi tầng 18 pho, tầng cao nhất chỉ có 1 pho Tượng ngồi cao 1m, đầu đội trần nhà Cửu phẩm. Với chiều cao và diện tích như vậy, cùng tổng cộng 145 pho tượng Phật, tòa Cửu phẩm Liên hoa nặng khoảng 4 tấn (theo số liệu cân năm 1974 trong lúc di chuyển để tính công điểm cho đội ngũ thực hiện việc di chuyển). Tuy nhiên chỉ cần hai người dùng tay đẩy nhẹ, cả tòa Cửu phẩm có thể từ từ quay vòng tròn. Có thể nói, công trình kiến trúc này, cùng với chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh và chùa Động Ngọ ở Thanh Hà, Hải Dương, là ba kiệt tác của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay. Công trình đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2015.

Cách nhà Cửu phẩm một khoảng sân hẹp về phía sau là nhà Tổ 7 gian hạ xối tạo dáng bốn mái để liên hoàn với mái hành lang, nhà Tổ nối với Tiền đường bằng 2 dãy hành lang, mỗi bên 11 gian, phía ngoài xây tường, phía trong để thoáng tạo một không gian khép kín hình chữ nhật. Trong hành lang có tượng Thập bát La Hán, Bát bộ kim cương và Bia kí các thời. Ngoài tổ hợp kiến trúc này còn có nhà Tăng, Tháp sư tổ, vườn chùa và nhiều công trình kiến trúc phụ trợ khác trong khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông. Từ nhà Tăng đến dãy nhà khách, nhà Thọ trai đều được xây cất với một phong cách rất riêng của kiến trúc Việt Nam.

Trước cửa chùa về phía bên phải khoảng 100m là Nghè, bên trong thờ Thành hoàng làng, kiến trúc công trình hình chữ Công, Tiền bái 3 gian chồng diêm, tám mái, Hậu cung 3 gian nối với Tiền bái bằng một gian ống muống, các con chồng, cốn…cánh cửa chạm kênh bong tứ linh hoặc Long quần còn khá đồng bộ của kiến trúc cuối thế kỷ XVII.

Không chỉ là một Đại Danh lam cổ tích, chùa Giám hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Đó là hệ thống Phật pháp từ hệ thống tượng tại tòa Tam bảo như bộ Tam thế, Adi đà, Quan thế âm, Tòa Cửu long,… đến hệ thống Tượng pháp được bố trí tại tòa Tiền đường, hai dãy hành lang, nhà Cửu phẩm Liên hoa,… có niên đại thế kỷ VII - XIX rất có giá trị. Đây được xem là những tiêu bản tượng Phật gốc có niên đại vào loại sớm của tỉnh Hải Dương. Trong đó có pho tượng Đại Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh - người được xem là có công đầu tiên trong việc trùng tu, khôi phục chùa Nghiêm Quang và được tôn là “Thánh sư Nam dược”, dựa vào hình dáng pho tượng này mà chúng ta đã tạo ra những pho tượng khác thờ ở nhiều nơi trong cả nước; 02 chuông lớn đúc vào các năm Cảnh Hưng năm thứ 23 (1762) và Thiệu Trị năm thứ 8 (1848). Đặc  biệt là 16 Bia đá niên đại từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII như Bia “Trùng tu Nghiêm Quang Tự” có niên đại Chính Hòa thập nhất niên (1696), Bia “Nghiêm Quang Thiền Tự, Danh lam cổ tích”, “Hưng công tái tạo, Thánh tượng Bia kí” có niên đại Vĩnh Thịnh 13 (1717), Bia “Chư tạo Phật tượng Bia kí, Nghiêm Quang Thiền tự Bia kí” niên đại Chính Hòa 24 (1703),... Đây là những văn bản quý để nghiên cứu lịch hình thành phát triển di tích. (Chùa giám và tòa cửu phẩm liên hoa trong Đất và người Cẩm giàng  tr 39 – 43 – Thường vụ huyện cẩm giàng, Hải Dương 2016)

Bên cạnh đó tòa Cửu phẩm Liên hoa cũng được xem là cổ vật có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc biệt còn lưu giữ được ở nước ta hiện nay.  Tòa Cửu phẩm Liên hoa không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Các chùa xây dựng tháp Cửu phẩm Liên hoa là những trung tâm Phật giáo, gắn liền với các vị Thiền sư Danh tiếng như chùa Giám là nơi tu Thiền của Đại Danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh. Tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa đã trở thành điểm nhấn của ngôi chùa Giám cổ kính, gợi lên bao suy ngẫm về cái lẽ sắc không của kiếp nhân sinh. Bên cạnh đó tòa Cửu phẩm Liên hoa cũng là nguồn tư liệu có giá trị lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nói chung và khoa học lịch sử nói riêng. Với những giá trị đó, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định số 2382 QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 công nhận toà Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám là Bảo vật Quốc gia.

          2.3 Di tích đền Bia

Đền Bia nằm trên cánh đồng phía Tây thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), giáp làng Nghĩa Phú (xã  Cẩm Vũ), quê hương của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng để thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh và tấm Bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông nên có tên là đền Bia: Tấm Bia đá hiện đang lưu giữ tại Hậu cung của đền Bia là do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 -1699), Người cùng làng với Tuệ Tĩnh khi đi sứ sang Trung Quốc bàn việc hoạch định địa giới. Trên đường đi, ông  đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh ở bên sông Trường Giang. Tấm Bia trên mộ in rõ dòng chữ: “Đời sau có ai sang đây thì nhớ cho hài cốt tôi về với”. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, ông bèn lấy tờ giấy bản ốp vào tấm Bia in lại dòng chữ đó và gửi về nước để mọi người biết nguyện vọng của cụ Tuệ Tĩnh. Về Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho làm một tấm Bia đá và khắc lại dòng chữ đó lên Bia, sau đó cho chuyển về quê. Khi vận chuyển bằng đường thủy, đến chỗ bây giờ là đền Bia. Lúc đó cả vùng quê bị ngập nước, thuyền bị lật, tấm Bia rơi xuống không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn nhân dân tìm được Bia, thấy roi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng Miếu nhỏ để thờ Bia. Đến năm 1936 nhân dân dựng lên một ngôi đền mới như kiến trúc hiện còn. Từ ngày dựng Bia người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái là, xin nước đền Bia ngày một đông. Vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) một ngày có tới hàng ngàn người đến đền Bia xin thuốc, nên Vua đã hạ lễ cấm việc cúng lễ và xin thuốc mang màu sắc mê tín, mất vệ sinh. Đồng thời sai người mang tấm Bia cất giữ vào kho của tỉnh Hải Dương. Sau một thời gian, có một người của làng Văn Thai (xã Cẩm Văn) làm chức thủ kho đã lấy lại tấm Bia đá và bí mật đem về nhưng rất đáng tiếc tấm Bia đã bị đục hết chữ không còn đọc được nữa. (Hà Văn Tấn. 1992. Bia chùa giám và thiền sư Tuệ Tĩnh, thông báo khảo cổ học nxb KHXH, tr 256 -257)                                             

3. Lễ hội tại các di tích.

Mặc dù có chung một danh vật thờ tự hoặc phối thờ. Tại các di tích nơi diễn ra các hoạt động Tế lễ mang tính tâm linh của một vị “Thánh” cứu nhân độ thế. Việc trông coi duy trì, hoạt động ở mỗi di tích có một khác biệt. Ngoài những việc lễ chính do chính quyền xã đứng ra tổ chức, lo liệu, việc duy trì hoạt động thường nhật tại các di tích cũng do bộ máy chính quyền các cấp quản lý đảm nhận, chỉ có các hoạt động cúng lễ theo nhu cầu cá nhân, diễn ra thường nhật tại các di tích thì do cá nhân trực tiếp tiến hành. Với dân số và điều kiện xã hội hiện nay, nhu cầu tâm linh đang được quan tâm hàng đầu tại các di tích thờ Tuệ Tĩnh, thấy được sự sùng bái, mối quan hệ Danh nhân Tuệ Tĩnh với người dân sở tại có di tích như một vị “Phật” mối quan hệ nội tâm.

Đến với bất cứ di tích nào ta cũng thấy có hai chức năng: Chức năng thờ tự và giáo hóa. Trong chức năng giáo hóa có giáo hóa trực tiếp và giáo hóa gián tiếp. Giáo hóa gián tiếp là xây dựng các công trình kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc, bài trí và sử dụng các di vật cùng với các hoạt động phong phú trên mọi lĩnh vực điều chỉnh hành vi, ứng xử của họ. Đó chính là quá trình giáo hóa gián tiếp hay tự giáo hóa chính mình. Giáo hóa trực tiếp chính là việc tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo ngay tại các di tích như đền Bia, đền Xưa, chùa Giám tổ chức các lớp học hoặc các buổi sinh hoạt chuyên đề về ngành Y - Dược ngay tại các di tích là hình thức giáo hóa trực tiếp con người. Dù hoạt động trực tiếp hay gián tiếp việc giáo hóa cũng là quá trình xuyên suốt trong sự tồn tại của các di tích.

Đối với việc trông coi, thờ cúng, Tế lễ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại các di tích vừa là nơi cúng, Tế lễ, vừa là nơi diễn ra các hoạt động có liên quan tới giáo dục. Điều đó phần nào phản ánh và thể hiện tinh thần dân chủ cộng đồng ở làng xã.

3.1 Lễ hội đền Xưa

Quá trình tiến hành khảo sát lễ hội truyền thống của đền Xưa liên quan đến nghi lễ thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh cho đến nay gặp khá nhiều khó khăn, phần cơ bản vì thời gian đã quá lâu và số người nắm được thông tin về vấn đề này ở địa phương không nhiều, chỉ còn một số ít người cao tuổi, có thể nhớ được chút ít về những nghi lễ diễn ra trong các dịp Tế lễ, nhân ngày giỗ Đức Thánh Nam dược, mà họ đã từng được chứng kiến khi còn nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu chữ viết (cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán) về nội dung có liên quan lại không nhiều. Ngoài tài liệu về Thần tích, Thần sắc và Hương ước của làng được kê khai vào những năm 1936, 1938 mà tác giả tìm hiểu; nghiên cứu một số nguồn tư liệu khác như Gia phả họ Phạm Tử Hư ở thôn Nghĩa Phú, Thần tích, Thần sắc (thôn An Lư, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), Đạo sắc phong cho "Tuệ Tĩnh tiên sinh Thánh Nam dược tôn thần" và "Dực bảo trung hưng linh phù chi thần" niên hiệu Bảo Đại 15 (1940), tháng 9, ngày 29 và hai cuốn Gia phả của dòng họ Nguyễn, trong đó có một quyển nhỏ nhan đề “Nguyễn tộc đại sự” có phần nói về Nguyễn Bá Tĩnh tự là Phúc Trình, được triều Minh phong là “Đại y Thiền sư”. Lễ hội đền Xưa với diễn trình Cụ thể như sau:

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, lễ hội đền Xưa được tổ chức long trọng trong vòng 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm nhân ngày giỗ của Danh y Tuệ Tĩnh, trọng hội là ngày 15. Việc tổ chức lễ hội nhằm tri ân với người được thờ, những năm “Phong đăng hòa cốc”mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân Nghĩa Phú có  thể tổ chức nhiều ngày hơn. Trước đây, Nghĩa Phú có 4 xóm: đình, Bến, Chẹm, Cầu Thầy. Trên cơ sở các xóm, Nghĩa Phú chia thành 4 giáp: Nhất, Nhì, Ba, Tư. Giáp Nhất là xóm Chẹm, giáp Nhì là xóm Bến và một phần của xóm Cầu Thầy, giáp Ba gồm xóm Cầu Thầy và một phần của xóm đình, giáp Tư là phần còn lại của xóm đình. Làng có 6 mẫu ruộng công giao cho bốn Ông tế đám, mỗi Ông một mẫu rưỡi có nhiệm vụ cày cấy, lấy hoa lợi chu biện lễ vật. Mỗi tháng làng giao cho một Ông tế đám có trách nhiệm đèn nhang và dâng mâm xôi, con gà, dầu, rượu lên ban Thánh vào các ngày sóc, vọng và các sự lệ khác trong tháng. Bốn Ông luân phiên nhau mỗi Ông 3 tháng vừa tròn hết một năm. Đến kỳ lễ hội, bốn Ông tế đám có trách nhiệm lo liệu mọi việc. Mỗi giáp cử ra một ban lo việc tổ chức, gồm một Ông đám, một Ông xeo, một Ông tế và một Ông hóa. Những người này đều có tuổi từ 50  trở nên, người lo việc tế Thánh, người lo việc mổ lợn cho giáp để làm lễ và để mọi người thụ lộc, người lo việc thu tiền đóng góp của các đầu đinh để tổ chức lễ hội và một người lo việc dọn dẹp sau lễ hội. Làng chọn ra đội hình tế lễ gồm các giai tế là những thanh niên chưa vợ, đẹp trai, khỏe mạnh, có đạo đức tốt, duy hai Ông thông xướng phải là chức dịch trong làng, bốn Ông cai đám được vào mệnh bái. Quần áo tế do làng chuẩn bị. Gần đến ngày lễ hội, làng cử người ra đền quét dọn, bao sái đồ thờ tự, cắm cờ thần xung quanh khu di tích.

Sáng ngày 14, làng tổ chức tế Cáo yết (xin mở cửa Đền). Các giáp chuẩn bị phẩm vật dâng Thánh. Tối ngày 14, các giáp mổ chung một con lợn, tiêu chuẩn lợn phải từ 45 kg trở nên, đẹp mã. Làng dùng nước giếng hoặc nước mưa được trưng cất từ nhiều ngày trước để mổ lợn. Lợn được để nguyên con đặt trên bàn gỗ. Các giáp còn nấu một mâm xôi trắng, đầy để làm lễ cúng.

Sáng ngày 15, các giáp rước lợn và mâm xôi ra đền làm lễ cúng Thánh và tổ chức lễ rước. Những người tham gia đội hình rước trong trang phục quần áo nậu, đầu chít khăn đỏ, thắt lưng bó que, chân quấn xà cạp. Đội hình đám rước như sau: Đầu tiên có một người cao tuổi mặc trang phục kiểu quan võ, cầm gậy đi trước dẹp đường, rồi đến đội cờ, do đội những người trung niên rước; tiếp theo là đội múa rồng, múa lân, vừa đi vừa đánh trống vừa múa; tiếp theo đến 10 mâm hoa do đội nữ trẻ mặc áo dài tân thời đội, đi thành 2 hàng; tiếp theo là đội Bát bửu và kiếm đi sát kiệu; tiếp theo là đội khiêng kiệu bốn người và 4 người khác cầm dải lụa nhiều màu, đi cùng là hai người cầm lọng che; tiếp theo đến Đội tế; rồi đến các Cụ phụ lão và nhân dân. Trong khi rước đi đường có trống, hồ, nhị, não bạt, thanh la cùng hoà tấu. Đoàn  rước đi vòng quanh làng rồi trở về Đền.

Sau khi về tới Đền, các giáp dâng lễ lên ban Thánh rồi tổ chức Tế lễ. Thời gian tế từ 9h sáng, kéo dài đến khoảng 11-11h30. Văn tế do những người có phẩm hạnh và học thức viết. Những người này không đơn giản chỉ là giỏi chữ mà phải trải qua một trong những kỳ sát hạch và thi tuyển của các triều đình phong kiến nhưng không nhất thiết phải đỗ các kỳ thi. Việc tế Thánh được tổ chức trang nghiêm. Các giai tế gồm 24 người dẫn đồ lễ trong trang phục chỉnh tề, mặc áo tế màu đen, áo may từ lụa Hà Đông, tay áo, cổ, vai, trước bụng có hoa văn, quần chúc bâu trắng, đi giày Chí Long (đóng ở Hà Nội) loại giầy có đế cao, mũi cong, nhọn và đội mũ tế có hai dải lụa buông xuống phía sau lưng. Mọi người đều mặc áo tế giống nhau. Thông thường, làng tế xôi lợn, oản quả và ba tuần rượu là kết thúc. Trong quá trình tế, ai mắc lỗi bị làng phạt vạ. Lý trưởng và người dân đều được quyền bắt lỗi. Người mắc lỗi phải nộp 5 hào (tiền ngày sưa) và phải sắm dầu, rượu để lễ Thần, kính dân. Nếu người bị vạ tự cho mình là oan uổng thì phải làm giấy kêu lên các quan trên xem xét, nếu thấy không oan thì người bị vạ phải nộp tiền ngay cho Chánh hội nộp xong thì không mất quyền lợi gì khác nữa. Sau lễ Tế, các giáp chia lợn và những phẩm vật cúng Thánh để hưởng lộc. Chỉ có chức sắc trong làng, các giai tế và các Cụ cao niên trong làng từ 55 tuổi trở nên đã tổ chức khao vọng mới được hưởng. Việc phân vai vế, thứ bậc trong làng cũng được thể hiện khá rõ. Hàng Chánh tổng, Lý trưởng ngồi mâm giữa trong hậu cung, nhỏ hơn ngồi hai gian bên, nhỏ hơn nữa ngồi ngoài hiên, thứ bậc cuối cùng được tham dự ngồi ngoài sân.

Trong những ngày lễ hội, nhân dân và du khách thập phương đến làm lễ dâng hương và xin thuốc Thánh rất đông, đặc biệt là những lần Thánh ứng. Theo quan niệm của người dân, thứ lá cây được đặt lên ban và làm lễ là Thánh ứng, uống nước lá cây này sẽ chữa được nhiều bệnh nên ai đến đây cũng đều mua lễ lá và dâng Thánh. Có những năm tiền công đức vào nhà đền phải dùng cót thóc để đựng. Tục truyền, người dân thường dùng lễ lá và nước dâng lên ban Thánh sau đó mang về dùng sẽ khỏi được bệnh. Trong nhân dân còn truyền tụng câu ca rằng:

“Đau bụng thì uống nước sông
Đau mắt lấy nhựa xương rồng mà tra”

Theo Ông Nguyễn Quang Trạm (71 tuổi), người am hiểu lịch sử và lễ hội di tích đền Xưa, người làng Nghĩa Phú cho biết: Trước đây, làng có con sông gọi là sông Giám, là một nhánh của sông Thái Bình chảy quanh làng đến trước cửa Đền, nhân dân thường dùng vỏ quả bầu già, gáo dừa hoặc niêu đất để lấy nước giữa dòng sông hoặc nước giếng đền rồi cùng lễ lá dâng lên Thánh. Do vậy, thứ nước đã được dâng Thánh không còn là nước lã thông thường mà cũng chính là một vị thuốc, mang về sắc cùng lễ lá uống sẽ khỏi đau bụng. Còn nhựa xương rồng chữa khỏi bệnh đau mắt bằng cách: Tìm cây xương rồng có gai ba nhánh đem nướng chín cho mềm nhũn ra, sau đó vắt lấy nước, dùng nước đó nhỏ vào mắt sẽ khỏi. Ông Trạm còn cho biết thêm, trước kia, cả vùng rộng lớn xung quanh có dịch đau mắt, không thuốc gì chữa khỏi, tưởng chừng như sẽ bị mù. Sau đó, mọi người đã tìm đến Nghĩa Phú, lấy cây xương rồng dâng lên ban làm lễ Thánh rồi về dùng, thời gian ngắn đã khỏi. Đây chính là bài thuốc của các Thầy Lang trong làng đã học theo cách chữa bệnh của Danh y để chữa bệnh cho người dân. Nghĩa Phú từng có nhiều Thầy Lang chữa bệnh bằng thuốc Nam nổi tiếng như: Thầy Lang Nguyễn Thế Kỷ (còn gọi là Cụ Tổng Kỷ vì Ông là Phó Chánh Tổng) chuyên chữa bệnh hậu sản, Ông Nguyễn Ký Phùng, Nguyễn Bá Nghĩ, Vũ Văn Dã đều đã kế thừa sự nghiệp của Tuệ Tĩnh để hành nghề chữa bệnh cứu người.

Lễ hội đền Xưa có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như tổ tôm, tam cúc, cờ người, đập niêu, bịt mắt bắt dê, cầu kiều…, thành phần tham gia chủ yếu là thanh niên và trung niên. Các trò chơi diễn ra sôi nổi ngay tại sân Đền; phần thưởng tuy chỉ là vài xu tiền song được về tham dự hội Thánh cũng đã là niềm vui của những người tham gia.

Trong lễ hội còn có các hoạt động diễn xướng như hát chèo, tuồng, cải lương, hát Cô đầu. Do là một trong những lễ hội tiêu biểu, không gian văn hóa rộng lớn nên các Đoàn  văn nghệ ở các nơi đã tìm về xin đăng ký tham gia rất đông. Các hoạt động này, chủ yếu được diễn vào các buổi tối. Có những năm lễ hội kéo dài cả tháng nên trong nhân dân còn có câu:

“Làng Xưa trống thủng, chiêng dè

Quan viên toét mắt, nhà trò có mang”

Câu ca đã nói lên thời gian của lễ hội đền Xưa. Những cô gái ngoài việc tham gia diễn xướng tại đền còn đến nhà riêng của những người giàu có để hát, rồi lại hát ở Đền. Cho nên, từ “có mang” ở đây mang tính trừu tượng là chính, muốn nói thời gian của lễ hội kéo dài đủ để một người phụ nữ có mang. Tuy nhiên, một phần nhỏ cũng nên được hiểu theo đúng nghĩa. Phần lễ và phần hội đan xen trong suốt thời gian diễn ra lễ hội làm cho không khí náo nhiệt cả một vùng rộng lớn, đến 4 giờ chiều, làng tổ chức Tế tạ và lễ hội kết thúc.

Lễ hội ngày nay

Ngày nay, lễ hội đền Xưa vẫn được tổ chức trong ba ngày (14 đến16 tháng 2 âm lịch) nhân ngày giỗ của Đại Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, trọng hội là ngày 15. Sau khi được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia, địa phương đã thành lập Ban Quản lý di tích do Ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Trưởng Ban. Trước khi tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích thành lập Ban Tổ chức lễ hội và bầu ra các Tiểu ban như: Ban khánh tiết, ban lễ, ban tiếp tân, ban tài chính, ban thể thao, ban văn nghệ, ban an ninh và ban hậu cần. Các ban chịu trách nhiệm về các côg việc của ban mình. Ban Tổ chức còn phân công nhiệm vụ Cụ thể cho các hội, Đoàn  thể như: Đoàn  Thanh niên có trách nhiệm vệ sinh khuôn viên và khu vực xung quanh di tích, quét dọn đường làng ngõ xóm sạch sẽ, bố trí các Đoàn  viên tham gia lễ rước, tổ chức các trò chơi và một số môn thể thao, luyện tập và tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Hội Phụ nữ có nhiệm vụ cử đội hình dâng mâm hoa quả trong lễ rước, tiếp khách, biểu diễn một số tiết mục văn nghệ và thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được điều động. Hội Người cao tuổi chịu trách nhiệm vệ sinh khu vực nội tự Ngôi Đền, bao sái đồ thờ tự, bày biện lễ vật, hương hoa trên ban thờ Thánh, bố trí đội hình tế lễ, tham gia tổ chức một số trò chơi dân gian như cờ tướng, tổ tôm... Tiếp đó, Ban Tổ chức lễ hội lên danh sách và gửi giấy mời đến các đại biểu các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn đến các tập thể, đơn vị cùng nhân dân và khách thập phương về tham dự lễ hội truyền thống của làng.

Sáng ngày 14, làng tổ chức lễ Cáo Yết (xin mở cửa Đền). Chiều 14, làng tổ chức dựng bạt, kỳ đài, chuẩn bị âm thanh, bàn ghế cho sáng 15 làm lễ rước và khai mạc lễ hội.

Sáng ngày 15, các Cụm dân cư rước lễ ra Đền. Làng có 15 Cụm dân cư, các Cụm được hình thành trên cơ sở các xóm nhỏ. Trước ngày hội của làng, các gia đình trong Cụm đóng góp tiền để sắm lễ, số tiền còn dư được công đức vào Nhà Đền. Lễ vật gồm có hoa quả, bánh kẹo, Bia, nước ngọt và những nén hương thơm. Khoảng 7 giờ, các xóm rước lễ ra đền, các thành viên trong Cụm ít nhất mỗi gia đình có một người tham gia vào lễ rước. Có những Đoàn  đông người kéo dài khoảng 200m khiến ngày hội trở nên tấp nập. Đến Đền, các Cụm dân cư dâng lễ lên ban thờ trước tòa Tiền tế do Ban Tổ chức bố trí.

Đúng 8 giờ, tổ chức lễ rước, làng thỉnh hai Cụ cao niên có phẩm hạnh, một Cụ đánh trống, một Cụ đánh chiêng làm hiệu lệnh. Khi ba hồi chiêng trống vừa dứt, Đoàn  rước khởi hành. Đi đầu Đoàn  rước là đội múa lân khoảng 10 người, người cầm đầu con lân làm động tác nhún nhẩy khi lên trên khi xuống dưới, lúc sang trái lúc sang phải. Người đi sau cầm đuôi và thân thực hiện động tác cuộn mình và vung vẩy đuôi, đi phía trước là 2 người đóng làm Ông Địa đeo mặt nạ, mặc quần áo thâm vừa đi vừa phe phẩy chiếc quạt. Đi sau đội múa lân, có đội thiếu niên (học sinh) mặc trang phục áo trắng, đầu đội mũ Canô, đeo khăn quàng đỏ, cầm hoa, khoảng từ 20 - 30 người cầmHồng kỳ được chia làm 2 hàng, sau độiHồng kỳ là đội Bát âm gồm thanh la, não bạt, sênh tiền, trống, mõ, đàn, sáo nhị... Đi sau đội Bát âm là Đoàn  rước ảnh Bác Hồ, ảnh Bác được đặt trên kiệu sơn son thếp vàng, có bốn thiếu nữ khiêng và bốn thiếu nữ cầm dây (dải bao) giữ ảnh. Đi sau Đoàn   rước ảnh Bác là đội Bát bửu gồm khoảng 20 Cụ phụ lão. Tiếp theo là kiệu long đình được đặt trên kiệu sơn son thếp vàng gồm có bốn người khiêng, sau kiệu là đội hình cầm Bát bửu do thanh niên đảm nhận. Đoàn  tế nữ có 24 người mặc trang phục tế. Đi sau Đội tế là kiệu rước bài vị Đại Danh y Tuệ Tĩnh đặt trên kiệu bát cống gồm có tám người khiêng mặc quần lậu (áo đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp, đi giầy) phía sau có hai người cầm lọng để che. Sau kiệu bát cống là đội hình dâng mâm hoa quả của các Cụm dân cư. Đi cuối cùng là các đại biểu cùng nhân dân và khách thập phương về dự lễ hội. Về đường đi của Đoàn  rước, cũng có năm làng mở lễ hội lớn nên đường đi cũng dài hơn và qua nhiều điểm hơn. Trong phạm vi đề tài này, tác giả mô tả đường đi của lễ hội trong những năm làng làm lớn. Đường đi Cụ thể như sau: Đoàn  rước đi từ đền ra khỏi Nghi môn rẽ trái ra trục đường chính của làng, qua Nghè Đại Triều3 ra tỉnh lộ 194, Đoàn  rước đi qua Nghĩa trang liệt sĩ, qua thôn Hoàng Gia4 đến đền Bia, rồi vòng về đường 5B, qua làng Phú Lộc (xã Cẩm Vũ), qua Nhà Văn hóa thôn rồi trở về Đền. Đường đi của Đoàn  rước dài khoảng 1.600m, thời gian hết 2 giờ là kết thúc.

Đến 10 giờ, là lễ khai mạc diễn ra trang nghiêm và trọng thể. Ông Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đọc diễn văn khai mạc tóm tắt tiểu sử thân thế, sự nghiệp của Đại Danh y Tuệ Tĩnh trong đó nêu bật công lao của Ông trong việc đặt nền móng xây dựng nền Y - Dược nước nhà, khẳng định vai trò quan trọng của việc tổ chức lễ hội trong đời sống nhân dân, đồng thời quyết tâm bảo vệ và phát huy những giá trị của di tích cho các thế hệ con cháu. Sau lễ khai mạc, các Đoàn  đại biểu và nhân dân vào làm lễ dâng hương. Trong đó có nhiều Đoàn  khách Trung ương như Bộ Y tế, Học viện Quân y, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học trong và ngoài tỉnh. Nhớ ngày giỗ “Tổ” của làng, những người con quê hương Nghĩa Phú đang sinh sống và làm việc tại mọi miền Tổ quốc đã về dự hội và dâng hương thể hiện lòng thành kính của mình như: Hội đồng hương Nghĩa Phú ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh... Đặc biệt là những người dân ở An Lư (Thủy Nguyên, Hải Phòng), năm nào cũng vậy, cứ dịp lễ hội là người An Lư lại trống dong cờ mở về tri ân Đức Thánh.

Lễ tế Thánh y do Đội tế nữ đảm nhiệm. Đội tế nữ của thôn Nghĩa Phú hiện nay gồm 24 người trong độ tuổi từ trên 60 đến trên 70, người cao tuổi nhất là 79 tuổi, do bà Nguyễn Thị Bông (65 tuổi) làm đội trưởng, đồng thời là Chủ tế, một người thông xướng, một người họa xướng, hai người phụ tế, một người đánh chuông và những người còn lại là người dẫn lễ. Trang phục của Đội tế: Người Chủ tế mặc áo dài màu hồng đậm; hai người thông xướng, họa xướng mặc áo dài đỏ; những người còn lại mặc áo dài hồng nhạt. Tất cả đều đội khăn xếp. Nghi thức tế: Trưởng Đội tế đứng ra phát biểu xin phép được vào tế Thánh. Lễ tế kéo dài khoảng hai tiếng, qua bảy tuần: hương đăng, hoa quả, xôi thịt, ba tuần rượu và tuần nước, trà, dầu. Sau khi tế xong, mọi người thụ lộc ngay tại Đền. Có năm, làng phải nhường việc tế lễ cho các địa phương khác đến tham gia.

Trong thời gian diễn ra lễ hội thì hoạt động xin nước Thánh và lá thuốc như trước đây không còn mà thay vào đó là hoạt động bắt mạch, kê đơn, bán thuốc tại ngay di tích. Tuy rằng, hiện nay Hoạt động Đông y của Nghĩa Phú và của xã Cẩm Vũ mang tính tự phát, trước kia có tổ chức Chi hội Đông y của xã nhưng không có ràng buộc chặt chẽ, mọi người tự làm thuốc tại nhà. Hiện tại thôn còn khoảng 5- 6 gia đình vẫn làm thuốc Nam tại nhà, số lượng cây thuốc trồng không nhiều, chủ yếu đi mua nguyên liệu ở Hải Dương về pha chế. Gia đình Ông Nguyễn Gia Khánh nổi tiếng về trị bệnh cảm cúm, gia đình Ông Nguyễn Gia Uyển chủ yếu cắt thuốc bổ. Bên cạnh đền Xưa trong khuôn viên của đền hiện nay có mấy gian nhà làm thuốc của Ông Nguyễn Văn Căn, 67 tuổi là hậu duệ của dòng họ Thánh y Tuệ Tĩnh. Tuy đến nay không giữ được gia phả dòng họ từ thời Danh y nhưng dòng họ Nguyễn từ thế kỷ 18 đến nay đã trải qua 21 đời, Ông Nguyễn Văn Căn là đời thứ 18. Ông Căn đã kế thừa sự nghiệp của Cụ tổ Tuệ Tĩnh để khám chữa bệnh cho người dân. Ông đã học và làm nghề thuốc ở miền Nam nhiều năm, nay được thôn cho ở nhờ và hành nghề thuốc tư nhân bên cạnh Đền, chủ yếu chữa các bệnh về phong thấp.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống được duy trì và phát huy mạnh mẽ như đập niêu, cầu kiều, bịt mắt bắt vịt, câu cá trong chai, chơi cờ tướng… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các hoạt động diễn xướng như dân ca, quan họ, hát chèo cũng được Ban Tổ chức quan tâm trong các kỳ lễ hội.

3.2  Lễ hội chùa  Giám

Theo nhiều nguồn sử liệu và truyền thuyết tại địa phương, lễ hội chùa Giám vốn được tổ chức để kỷ niệm những nhà sư đã tu hành và viên tịch tại đây. Hòa thượng Thích Thanh Mão giỗ vào ngày 28 tháng 11, hòa thượng Thích Thanh Bồi giỗ ngày 15 tháng 2. Mặt khác, chùa là nơi Thiền sư Tuệ Tĩnh đã từng tu hành và làm thuốc chữa bệnh nên Ông được tôn thờ tại chùa và trong lễ hội, nhân dân địa phương cũng tổ chức lễ tôn vinh vị Thánh thuốc Nam.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, làng có chùa , nghè và đình, làng tổ chức lễ hội chung bắt đầu từ ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Do vậy, lễ hội chùa Giám nằm trong không gian của lễ hội làng. Trước đây, việc tổ chức lễ hội làng giao cho các giáp, năm nay giáp này đăng cai thì sang năm đến lượt giáp khác. Trong giáp lại cắt cử người đăng cai, có thể cắt theo lứa tuổi hoặc từ ngày vào hàng giáp. Ai đến lượt đăng cai thì làng giao cho một số tiền hoặc ruộng để cày cấy lấy lợi mà chu biện lễ vật. Ai đến lượt mà không muốn làm thì phải nộp tiền chuộc lệ. Thông thường, làng giao cho bốn Ông cai đám phải sửa lễ. Theo quy định của làng, gần đến ngày lễ hội, các chức dịch tổ chức họp bàn, phân công nhiệm vụ. Việc tổ chức họp được diễn ra ở đình, vị trí ngồi họp được phân cấp rõ ràng. Chiếu giữa dành cho các chức dịch đứng đầu làng như Chánh tổng, Lý trưởng, Phó Lý. Chiếu hai gian bên là những người bỏ tiền mua nhiêu, hương, chiếu hai gian đầu hồi dành cho những người có liên quan được làng triệu tập để giao các nhiệm vụ trong lễ hội.

Làng có tục cúng “Ông Bò”. Sau khi lễ hội năm trước kết thúc, làng cử một người từ 50 tuổi trở nên nuôi một con bò để làm lễ cúng tế thần linh, nhân dân thường gọi đó là “Ông Bò”. Người nuôi bò phải đảm bảo cho Ông Bò  ăn cỏ sạch, thức ăn khác phải nấu chín, chuồng nuôi phải được quét dọn hàng ngày, thường xuyên tắm rửa sạch sẽ, không để cho Ông Bò  bị bệnh tật. Ngày 14 tháng 2, làng chuẩn bị kiệu đến nhà Ông nuôi bò. Hội đồng tộc biểu cử người chủ trì lễ rước. Các Cụ cao niên trong làng trang phục ngay ngắn chỉnh tề tham gia buổi rước. Bên cạnh đó, làng phải chuẩn bị đội hình cầm cờ, tàn, quạt che cho “Ông Bò”. Những thanh niên trai tráng trong trang phục áo nâu đỏ, thắt khăn đầu rìu có trách nhiệm rước Ông Bò ra đình và nghè làm lễ và tế Thánh. Ngoài lễ vật cúng Bò, làng còn chuẩn bị bánh dầy, hoa quả, dầu rượu, hương đăng để lễ Thánh.

Sáng ngày 15, làng tổ chức lễ rước tượng Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đoàn  rước được khởi hành từ Nghè lên đường cái quan vòng qua chùa ra sông Thái Bình lấy nước, sau đó đi vòng quanh tổng An Trang, cuối cùng mới quay lại nghè. Trang phục của đoàn rước gồm quần áo nậu, đầu chít khăn đỏ, thắt lưng bó que, chân quấn xà cạp. Quy trình của Đoàn  rước: Đi đầu Đoàn  rước là đội múa lân gồm khoảng 10 người mặc trang phục múa lân. Trong đó hai đến ba người khoác lên mình trang phục con kỳ lân làm động tác nhún nhảy theo nhịp trống, đi phía trước còn có hai người mặc quần thâm kiểu cổ, cầm hai chiếc gậy đi hai phía với những động tác múa theo hình số tám. Đội múa lân đi đầu tiên mang tính chất dẹp đường tạo sự thông thoáng cho Đoàn  rước được thuận lợi và rễ ràng hơn. Tiếp theo đội múa lân là một người mặc quần áo lương, đội khăn xếp đánh trống, trống được để lên xe có hai người kéo. Tiếp theo là Đoàn  cầm Bát bửu gồm 12 người mặc quần áo lậu (áo đỏ, quần trắng, quấn xà cạp chân đi giầy) hai tay cầm thanh long đao tiến về phía trước. Tiếp theo đội Bát bửu là Đội tế Nam gồm khoảng 20 người trong trang phục tế (người tế quan mặc áo, mũ, đai và hia mầu đỏ, các Ông Bồi tế, và Tế viên mặc trang phục áo, mũ, hia mầu xanh, quần màu trắng chia làm hai hàng đi song song nhau. Theo sau Đội tế là kiệu Long đình, trên kiệu có tượng Đại Danh y Tuệ Tĩnh gồm có 8 người khiêng. Tiếp sau kiệu long đình là kiệu bát cống cũng gồm 8 người khiêng, tất cả những người tham gia rước kiệu đều là thanh niên trai tráng trong làng có sức khoẻ, nhanh nhẹn mặc quần áo lậu. Tiếp theo Đoàn  kiệu là đội Bát âm gồm 8 người có độ tuổi từ 50 đến 60 trong trang phục áo lương, quần lĩnh, đầu đội khăn xếp vừa đi vừa dạo khúc lưu thuỷ, kim tiền và tiếp theo sau là Đoàn  nhà sư. Ngoài ra còn có kiệu rước sắc, hoa quả và đi sau cùng Đoàn  rước trong lễ hội là nhân dân và du khách thập phương làm lễ dâng hương và tế Thánh.

Thành phần tham gia Đội tế là người dân địa phương, họ là những người đã được tuyển chọn từ các giáp, độ tuổi từ 50 đến 60. Thành phần Đội tế phải là các gia đình khá giả hoặc có chức sắc mới được tham gia. Trong Đội tế tuyển chọn lấy một người có ngoại hình đĩnh đạc, đạo mạo và có sức khoẻ tốt, năm đó gia đình không xảy ra điều gì, công việc làm ăn luôn luôn thuận lợi và phát triển thì được chọn vào làm người Mệnh tế. Nghi thức tế được tổ chức tế tại khu vực nội tự của nghè, khoảng 20 người chia làm hai hàng ngang đứng ở hai bên, phía trước có đặt hai chiếc đẳng, trên mỗi đẳng có bài trí nến, hương, rượu để dâng lên Đức Thánh và Thành hoàng làng. Trong Đội tế thì Ông Mệnh tế mặc trang phục mũ, áo, đai lưng và hia mầu đỏ, quần mầu trắng. Các tế viên trong trang phục mũ, áo, hia mầu xanh, quần mầu trắng để khi nhìn vào ta dễ phân biệt giữa Chủ tế và các tế viên. Lễ vật dâng Thánh gồm có một mâm xôi gấc và một thủ lợn được đặt lên mâm xôi. Ngoài ra, còn có hoa quả, oản và một số vật phẩm khác. Toàn bộ các vật phẩm được chuẩn bị từ trước theo sự phân công của Hội đồng kỳ mục trong làng. Kết thúc tế lễ, các quan viên cùng những người dự tế thụ lộc.

Trong lễ hội làng, tại đình và Nghè còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, chọi gà, cờ tướng… thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia. Buổi tối, làng tổ chức hát tuồng, chèo, hát đúm, hát ví làm cho không khí lễ hội thêm phần nhộn nhịp.

Tại chùa Giám, ngay từ sáng sớm, các già đã khăn áo chỉnh tề ra chùa tụng kinh niệm Phật, chủ yếu là kinh Dược Sư và kinh Di Đà. Tiếp đó, nhân dân làm lễ dâng hương. Do nằm trong không gian lễ hội quần thể di tích chung của cả làng nên các sự lệ tại chùa Giám nói chung và liên quan đến Tuệ Tĩnh nói riêng có phần bị hạn chế. Tại ban thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh, nhân dân dâng vật phẩm cùng đèn nến, hương hoa tỏ lòng thành kính với vị Thánh thuốc Nam. Những hoạt động dâng hương tưởng niệm Danh y được diễn ra trong suốt thời gian lễ hội của làng.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, lễ hội chùa Giám bị gián đoạn do đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Từ 1955 đến 1974, lễ hội được tổ chức trở lại nhưng không có lễ rước mà chỉ là lễ dâng hương tưởng niệm sau đó lại gián đoạn. Đến năm 1981, việc tổ chức lễ hội truyền thống được khôi phục và duy trì đến ngày nay. Lễ hội chùa Giám ngày nay được diễn ra trong ba ngày (từ ngày 14 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm). Đến gần ngày lễ, Ban Tổ chức huy động toàn dân tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên chùa và khu vực có liên quan, cắm cờ thần xung quanh khu di tích, bao sái đồ thờ tự đặc biệt là tượng thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Ngày 13, Ban Tổ chức dựng rạp, bao sái và bày đồ tế khí, kiệu rước chuẩn bị cho ngày 14 làm lễ rước. Buổi chiều, làng làm lễ Cáo Yết. Lễ vật phục vụ cho tế lễ gồm một mâm mặn và một mâm chay. Mâm mặn gồm một mâm xôi và một thủ lợn. Mâm chay gồm hoa quả, bánh kẹo, hương nến, chủ yếu là các sản vật của địa phương. Sau khi sắp lễ xong, nhân dân dâng lễ tiến lên các ban. Có hai Cụ cao niên mặc áo lương, khẵn xếp, một Cụ đánh trống khẩu, một Cụ đánh kiểng đi trước dẫn Đoàn  tế vào vị trí. Làng tế một tuần hương, ba tuần rượu là kết thúc.

Sáng ngày 14 tháng 2, Ban lễ cử ra một Cụ cao tuổi trong làng thắp ba nén hương, vái ba vái rồi lùi ra đợi đội Bát âm dạo bài Lưu thủy. Ba hồi trống kết thúc  thì nhà sư trụ trì chùa Giám trong trang phục quần áo nhà Phật bước ra trước ban thờ khấn đức Thánh và nói lý do xin Ngài cho phép đội rước được rước sang Nghè để khách thập phương đến tham quan chiêm bái một cách dễ ràng. Đi đầu Đoàn  rước là đội múa lân khoảng 10 người, người cầm đầu con lân làm động tác nhún nhảy khi lên trên khi xuống dưới, lúc sang trái lúc sang phải. Người đi sau cầm đuôi và thân thực hiện động tác cuộn mình và vung vẩy đuôi, đi phía trước là hai người đóng làm Ông Địa đeo mặt nạ, mặc quần áo thâm vừa đi vừa phe phẩy chiếc quạt. Đi sau đội múa lân, có đội thiếu niên (học sinh) mặc trang phục áo trắng, đầu đội mũ Canô, đeo khăn quàng đỏ, cầm hoa, thành phần khoảng từ 20 - 30 người. Tiếp theo là ĐộiHồng kỳ khoảng 20 người được chia làm hai hàng, sau độiHồng kỳ là đội Bát âm gồm thanh la, não bạt, sênh tiền, trống, mõ, đàn, sáo nhị). Đi sau đội Bát âm là Đoàn  rước ảnh Bác Hồ, ảnh Bác được đặt trên kiệu sơn son thếp vàng, có 4 thiếu nữ khiêng và 4 thiếu nữ cầm dây (dải bao) giữ ảnh. Đi sau Đoàn  rước ảnh Bác là đội Bát bửu gồm khoảng 20 Cụ phụ lão. Tiếp theo là Kiệu thuốc, thuốc được đặt trên kiệu sơn son thếp vàng gồm có 4 người khiêng, sau kiệu thuốc là Đoàn tế Nam, nữ. Đoàn tế Nam có 12 - 16 Cụ, Đoàn tế nữ có 18 Cụ mặc trang phục tế. Đi sau Đội tế là Kiệu rước Đại Danh y Tuệ Tĩnh đặt trên kiệu bát cống gồm có tám người khiêng mặc quần lậu (áo đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp, đi giầy) phía sau có hai người cầm lọng để che Tượng. Sau kiệu của Tuệ Tĩnh là Đoàn Tăng ni Phật tử mặc trang phục nhà Phật. Đi sau Đoàn Tăng ni, Phật tử là các già, nhân dân và khách thập phương cùng tham gia vào buổi rước.

Đoàn rước đi trong không khí trang nghiêm, cờ quạt, chiêng trống, nhạc Bát âm làm cho lễ hội náo nhiệt cả một vùng rộng lớn. Khi Đoàn  rước đến sân nhà Văn hóa, làng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Danh y. Các Đoàn  lần lượt tiến vào với lòng thành kính dâng lên Đức Ngài nén hương thơm như để tri ân với vị Thần suốt đời cống hiến vì chúng sinh. Sau lễ tưởng niệm, Đoàn  rước tiếp tục về vị trí tập kết tại sân Nghè. Các đồ tế tự được dàn bày tại sân nghè đến hết thời gian diễn ra lễ hội.

Cùng với các hoạt động của phần lễ, các trò chơi dân gian truyền thống được duy trì và phát huy mạnh mẽ như cờ người, chọi gà, đập niêu, bịt mắt bắt dê, bịt mắt bắt vịt, cầu kiều trên cạn, múa rối nước... tại khu di tích còn tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền quảng bá sâu rộng đến quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh về phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam. Và tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân và khách thập phương. Bất cứ ai khi về dự lễ hội nơi đây cũng đều có niềm mong muốn được Thánh thuốc Nam che chở, bảo vệ cho bản thân và gia đình luôn mạnh khỏe, không có bệnh tật. Do vậy, nhu cầu chẩn đoán, bốc thuốc chữa bệnh tại nơi “Thánh thuốc Nam” tu hành ngày càng lớn.

Một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội chùa Giám là hoạt động giới thiệu sản vật của địa phương. Về lịch sử hình thành ngôi chợ đến nay chưa xác định được thời gian ra đời nhưng nó đã là một bộ phận không thể tách rời trong lễ hội từ khi được phục dựng. Quy mô chợ được hình thành dọc hai bên đường trục lộ chính từ Nghè Giám qua trụ sở UBND xã. Tuy là chợ quê song tính chất giao thương và chủng loại mặt hàng khá phong phú. Không chỉ người dân tại địa phương mà những người buôn bán khắp mọi nơi đều mang sản phẩm về bày bán tại chợ. Các sản phẩm được buôn bán nhiều gồm các mặt hàng tạp hóa, cây cảnh, đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Người dân địa phương chủ yếu giới thiệu tại chợ văn hóa ẩm thực, những món ăn đậm chất quê hương như phở, bánh cuốn, thịt chó, cháo lòng... Du khách về dự lễ hội sau khi đã “mỏi gối, chùn chân” đều dừng lại và thưởng thức, khi về không quên mua vài thứ đồ lưu niệm làm quà tặng cho gia đình, bạn bè và người thân. Cứ thế, hoạt động mua bán trở nên sầm uất, tạo nét đặc thù hoạt động Hội - Chợ cho lễ hội nơi đây.

Lễ hội chùa Giám từ truyền thống đến hiện đại, xuyên suốt vẫn là tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh Đại Danh y Tuệ Tĩnh, người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Y- Dược dân tộc. Theo nhiều nguồn tư liệu, thì sau khi thi đỗ, Ông không ra làm quan mà về tu ở chùa Nghiêm Quang (chùa Giám) rồi trồng thuốc ở vườn chùa. Tuy nhiên hiện nay, vườn thuốc đã được chuyển về khu vực trạm xá, hoạt động chẩn trị, kê đơn bốc thuốc vì thế cũng chỉ mang tính chất tượng trưng. Chính quyền và nhân dân địa phương đang có kế hoạch khôi phục lại vườn thuốc trong chùa bởi theo quan niệm dân gian thuốc ở đây sẽ “linh” hơn.  

3.3. Lễ hội đền Bia

Theo nhân dân địa phương, lễ hội đền Bia bắt nguồn từ hiện tượng “Thánh ứng”. Tương truyền, Thánh ứng vào ngày mồng 1 tháng 4 nên nhân dân địa phương lấy ngày này làm ngày giỗ và tổ chức lễ hội hàng năm. Trong những lần Thánh ứng, nhân dân nhiều nơi trong nước kéo đến cúng bái và xin thuốc. Liên quan đến chuyện Thánh ứng, trong nhân dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện như sau: Vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ngày mồng 1 tháng 4 xảy ra hiện tượng Thánh ứng. Một ngày có cả ngàn, vạn người kéo về địa điểm dựng Bia Tuệ Tĩnh tại Văn Thai để cúng bái và xin thuốc chữa bệnh. Tục truyền, hai bên đường cái Tây (đường 5B hiện nay) trước lối vào di tích, dân làng Văn Thai và Nghĩa Phú dựng lều, quán san sát để bán thuốc chữa bệnh cho người dân. Thuốc là những lá cây mọc tự nhiên xung quanh làng như tre, duối, ích mẫu, hương nhu, xương rồng, lúa non… Ban đêm, các quán đốt đuốc đón khách sáng rực cả góc trời. Vua Thiệu Trị biết tin cả giận nói rằng: “Ta là Hoàng đế đứng đầu thiên hạ mà không mấy kẻ đến lạy! Lạ thay, Tuệ Tĩnh chỉ là lão Thầy thuốc tầm thường mà lại có cả ngàn người đến dâng hương”. Lệnh Vua giáng xuống, Quan Án sát xứ Hải Đông liền cho người di chuyển tấm Bia về lưu giữ tại kho của tỉnh. Các hoạt động cúng bái và xin thuốc liền chấm dứt. Song cũng từ đó, nhân dân tin rằng, ngày mồng 1 tháng 4 là ngày linh thiêng, ngày Thánh thuốc Nam hiển linh. Để tránh sự kiểm soát của triều đình, nhân dân đã xây dựng ngôi đền Trung liền sát đình Văn Thai để thờ Tuệ Tĩnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Đây chính là cơ sở để hình thành lễ hội đền Bia.

Sau gần một thế kỷ, ngày mồng 1 tháng 4 năm Bính Tý (1936), hiện tượng “Thánh ứng”lại tái hiện. Lần  này, số lượng khách thập phương kéo về đông gấp bội. Việc lễ bái và mua bán thuốc hết sức tấp nập kéo dài tới cả tháng. Nguyên nhân là do có một người lính gác ngục thất Án sát xứ quê ở Văn Thai, nhân cơ hội quan trên buông lỏng quản lý đã bí mật lấy trộm tấm Bia Tuệ Tĩnh mang về làng. Điều đáng tiếc là tấm Bia đã bị đục hết chữ, không còn đọc được nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà làm giảm đi sự linh thiêng, sự sùng kính trong lòng nhân dân với Đại Danh y Tuệ Tĩnh.

Như vậy, từ hiện tượng “Thánh ứng”, lễ hội đền Bia được hình thành và duy trì đến ngày hôm nay. Nhân dân địa phương lấy ngày Đức Thánh hiển linh (ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch) làm ngày tổ chức lễ hội.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, lễ hội đền Bia được tổ chức khá trọng thể trong vòng 5 ngày (từ mồng 1 đến mồng 5 tháng 4 âm lịch). Trước đây, xã Văn Thai gồm 7 thôn: Bến Đá, Cầu Ba, Chợ, đình, Kim Lung, Ngõ Cống, Vạn được chia thành 5 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc, Chầu. Để chuẩn bị lễ hội năm sau, ngay khi vừa kết thúc lễ hội năm trước, Hội đồng lý dịch bản xã gồm những người tuổi từ 53 trở nên có sức khỏe và phẩm hạnh tốt đã họp bàn, giao nhiệm vụ cho các giáp. Trong giáp họp, phân công công việc Cụ thể cho các đầu đinh từ việc nhận cấy lúa, nuôi lợn, làm cỗ đến việc khiêng kiệu, vác cờ…

Trước khi vào hội, ngày 30 tháng 3 (âm lịch), dân làng tổ chức lấy nước sạch tại sông Thái Bình về để làm lễ tại đền Bia và đền Trung. Lễ bao sái tượng thờ do thủ từ và các chức dịch thực hiện trong không khí trang nghiêm, thành kính. Theo quy định, làng phải dùng khăn vải đỏ mới, nước sạch, tránh không dùng ngũ vị hương. Trong những ngày hội kiêng không ăn thịt chó, phụ nữ không được vào Hậu cung mà chỉ được bái vọng từ ngoài Tiền tế, những người có tang không được dự hội cũng như đưa tang không được đưa qua cửa Đền. Đặc biệt, làng phải kiêng tên húy “Tuệ Tĩnh”, mà chỉ được gọi là “Đức Thánh đền Bia”, nếu ai vi phạm, làng sẽ phạt 3 đồng và truất quyền tham dự lễ hội năm sau.

Làng có tục cúng lợn Ông Bồ. Việc nuôi lợn được tiến hành sau khi lễ hội năm trước kết thúc. Thông thường, các giáp đều phải chọn lợn rất kỹ, giống tốt, đẹp mã mới mang về nuôi. Việc nuôi lợn đòi hỏi phải rất chu đáo, cẩn thận. Chuồng lợn luôn phải được quét dọn sạch sẽ. Mùa đông, thời tiết lạnh phải đảm bảo cho Ông lợn được ấm áp. Các giáp thường dùng bao lứa hoặc vải che chuồng lợn theo hướng gió, ban đêm trải rơm cho Ông lợn ngủ. Mùa hè, chuồng lợn luôn thoáng mát, thường xuyên tắm rửa cho Ông lợn. Trong quá trình tắm phải dùng khăn mềm, không được dùng những đồ cứng, sắc làm cho Ông lợn bị trầy, sước, không được để Ông lợn bị muỗi đốt ảnh hưởng đến sức khỏe và sự bóng, đẹp của Ông lợn; không cho Ông lợn ăn bẩn, ăn tạp làm ô uế lễ vật. Có thể nói, giáp nào được giao nuôi lợn Ông Bồ thì đều tận tâm, tận lực chăm sóc Ông lợn với mong muốn dâng lên Đức Ngài những gì tinh túy nhất, thiêng liêng nhất của mình khi sắp lễ, Ông lợn luộc nguyên con được đặt trên hương án theo tư thế nằm chầu, hai bên có hai mâm xôi trắng được cán phẳng trên mặt bàn gỗ, mỗi mâm khoảng 15 kg gạo nếp cái hoa vàng, bên trên mâm lễ được phủ khăn đỏ tạo nên sự trang trọng. Làng dùng rượu Phú Lộc để cúng Thánh và các lễ vật dâng Thánh là sản phẩm nông nghiệp của địa phương như chuối, bưởi, cam, quýt... oản tự làm và một số vật phẩm khác. Sáng sớm mồng 1, các giáp rước lễ ra đền cúng Thánh.

Khoảng 8 giờ sáng ngày mồng 1, Đoàn  rước được khởi hành từ đền Trung ra đền Thượng (Đền Bia) và nghỉ lại đó cho đến sáng ngày mồng 5 thì rước trở lại đền Trung. Những người trực tiếp tham gia lễ rước trong trang phục quần áo nậu, đầu chít khăn đỏ, thắt lưng bó que, chân quấn xà cạp. Quy trình của Đoàn  rước: Đi đầu là đội múa lân gồm khoảng 5 đến 6 người mặc trang phục của đội múa lân. Đi phía trước còn có ba người mặc quần áo thâm kiểu cổ, trong đó có hai người cầm hai chiếc gậy đi hai bên với những động tác múa theo hình số tám, còn một người đóng làm Ông Địa, đeo mặt nạ, tay cầm chiếc quạt nan đi chập chững vừa đi vừa phe phẩy. Đội múa lân đi đầu tiên với tính chất dẹp đường, tạo sự thông thoáng cho Đoàn  rước được thuận lợi. Tiếp theo đội múa lân là đội cờ thần khoảng 12 người được chia làm hai hàng đi song song nhau. Đội cờ mặc quần áo lậu (áo đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp và đi giầy) hai tay cầm cờ tiến thẳng về phía trước. Sau đội cờ là Đoàn  Bát bửu (tám vật quý của đạo Giáo), những người tham gia trên 40 tuổi, mặc quần áo lậu, đầu đội nón lá, chân quấn xà cạp. Tiếp theo đội Bát bửu là đội Bát âm gồm 8 người có độ tuổi từ 50 đến 60 trong trang phục quần áo lương (quần lĩnh, áo the), đầu đội khăn xếp vừa đi vừa dạo khúc lưu thuỷ hành văn. Đi tiếp theo là Đội tế Nam khoảng 16 người trong trang phục của Đội tế. Đội tế được chia làm hai hàng, theo sau là một người đàn Ông trên 60 tuổi, mặc quần áo lương, đầu đội khăn xếp vừa đi vừa đánh trống theo nhịp ba tiếng một (tùng! tùng! tùng!). Người đánh trống khẩu đi trước, phía sau là kiệu long đình, trên kiệu có đặt bài vị của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Thành phần tham gia khiêng kiệu có 8 người, còn hai người cầm hai chiếc tán đi phía sau có nhiệm vụ che kiệu. Tiếp theo kiệu long đình là kiệu bát cống (đòn bát cống) gồm ba kiệu đi nối nhau, mỗi kiệu có bốn người khiêng, thành phần tham gia khiêng kiệu đều là những trai tráng trong làng, được tuyển chọn một cách thận trọng và hội đủ các tiêu trí như: khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, chưa lập gia thất...

Sau khi rước ra đền Bia, làng tổ chức tế lễ. Thành phần tham gia Đội tế là người dân địa phương và được tuyển chọn từ các giáp, độ tuổi từ 50 đến 60. Thành phần Đội tế phải là các gia đình khá giả hoặc có chức sắc mới được tham gia. Trong Đội tế lựa chọn ra một người có ngoại hình đĩnh đạc, đạo mạo và có sức khoẻ tốt, gia đình năm đó không có điều  gì xảy ra, công việc làm ăn luôn luôn thuận lợi và phát triển thì sẽ được chọn vào làm người Mệnh tế (Chủ tế). Quá trình tế được tổ chức trong nội tự của Đền, gồm khoảng 16 người chia làm hai hàng ngang đứng ở hai bên, trước mặt các tế viên có đặt 2 chiếc đẳng, trên mỗi đẳng có bài trí đỗ Tế như: Nến, hương, rượu để dâng lên đức Thánh. Trong Đội tế thì Ông Mệnh tế mặc trang phục mũ, áo, đai lưng và hia mầu đỏ, quần mầu trắng. Ba Ông Bồi tế mặc áo, mũ màu vàng, quần trắng, đi hia màu đen, các tế viên trong trang phục mũ, áo mầu xanh, hia mầu đen, quần mầu trắng để phân biệt rõ vai trò và trách nhiệm của người Chủ tế. Trong nghi thức tế ở đền Bia có bài Văn tế thể hiện bằng các loại dược liệu là cây thuốc Nam. Điều đó thể hiện sự khác biệt giữa văn tế tại đền Bia và văn tế tại các di tích khác.  

Trong những ngày lễ hội, nhân dân đến dâng hương, lễ bái xin thuốc rất đông. Lễ hội đền Bia còn được gọi là Hội Thánh. Tương truyền, trong những ngày hội, bất cứ ai vào đền cũng đều tỉa lộc (bứt lá cây) đặt lên ban lễ Thánh sau đó mang về sắc uống. Nhân dân mang ra đền như lá tre dây, ngải cứu, cúc tần, lá nhãn, mít, bưởi, chanh… làm lễ và bán cho khách thập phương gọi là lễ lá. Lễ lá gồm vàng hương, trầu cau và lá, giá mỗi lễ 5 xu đến 1 hào tiền thời xưa. Có năm, hàng vạn người đến dâng hương và xin thuốc Thánh, nhân dân địa phương phải làm nhà sàn xung quanh đền để làm lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh của du khách thập phương. Theo quan niệm của người dân, lá cây được dâng Thánh sẽ trở thành lá thuốc, uống nước lá “thuốc” này sẽ chữa được nhiều bệnh đồng thời ngăn ngừa được những bệnh tật khác vì thuốc đó đã được “Thánh ứng”. Với niềm tin đó, lễ hội đền Bia ngày càng có nhiều người đến cầu mong để được Đức Ngài che chở, bảo vệ, góp phần tạo nên đặc trưng riêng của lễ hội đền Bia so với các lễ hội khác trong vùng.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, việc tổ chức lễ hội đã không được duy trì. Các hạng mục di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1963, đền Trung bị hạ giải, các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng bị hạn chế rất nhiều.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan và tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, lễ hội đền Bia hiện nay được tổ chức long trọng trong 02 ngày (30 tháng 3 và mồng 1 tháng 4 âm lịch), trọng hội là ngày mồng 1 tháng 4. Thời gian tổ chức lễ hội tuy rút ngắn so với lễ hội truyền thống song những nét cơ bản của lễ hội xưa vẫn được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, nhân dân địa phương còn đưa những nét mới làm cho lễ hội đền Bia trở nên đa dạng và đặc sắc.

Ngày 29 tháng 3, làm lễ bao sái đồ thờ tự, cắm cờ thần.

Sáng ngày 30, tổ chức lễ Cáo Yết (xin mở cửa Đền). Buổi chiều, công tác khánh tiết được tiến hành như dựng kỳ đài, sắp xếp bàn ghế, loa đài, chuẩn bị lễ vật trên ban thờ chuẩn bị cho lễ khai mạc ngày hôm sau.

Đúng 8 giờ sáng ngày mồng 1, sau chương trình văn nghệ chào mừng, là bài phát biểu khai mạc lễ hội của Ông Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, nêu lên ý nghĩa của ngày hội, công lao to lớn của Đại Danh y Tuệ Tĩnh đối với đất nước, với địa phương, quá trình xây dựng và bảo vệ di tích qua từng thời kỳ lịch sử đồng thời kêu gọi nhân dân phát huy truyền thống của cha Ông, Đoàn  kết, tích cực bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cho các thế hệ mai sau. Tiếp đó, các ban ngành, Đoàn  thể các cấp và khách mời làm lễ dâng hương. Trong đó, các Đoàn  khách Trung ương và các tỉnh lân cận cũng về dâng hương tưởng niệm Cụ càng làm cho lễ hội thêm trang trọng. Kết thúc lễ khai mạc, làng tổ chức tế lễ. Đội tế thôn Văn Thai thực hiện tế lễ trong các kỳ lễ hội đền Bia. Đội tế gồm 25 Cụ cao niên trong trang phục chỉnh tề. Về tiêu chuẩn chọn người tham dự Tế cơ bản không có gì khác trước, làng Tế ba tuần rượu, một tuần trà là kết thúc.

Trong những ngày lễ hội, cùng với các hoạt động Tế lễ diễn ra tại đền thì các trò chơi cũng được tiến hành xen kẽ. Bên cạnh các trò chơi dân gian như: cớ tướng, cờ người, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, cầu kiều,... thì nhiều các hoạt động, các trò chơi mới cũng được đưa vào làm cho lễ hội thêm náo nhiệt, như bịt mắt đánh trống, đập niêu, thả bóng vào chậu, kéo co, bóng chuyền,... tất cả các trò chơi khách thập phương về dự lễ hội đều được tham gia, tạo nên không khí hăng hái, vui vẻ, góp phần thúc đẩy sự Đoàn  kết, gắn bó ngày càng bền chặt giữa các hậu duệ của Ông.

Trong lễ hội còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại danh Y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đối tượng dự thi là học sinh trong xã. Bên cạnh đó, thành phần còn được mở rộng cho học sinh các trường trong huyện tham gia. Nhiều bài thi có nội dung thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Danh nhân. Qua cuộc thi giúp các em học sinh hiểu sâu hơn về Danh nhân đồng thời càng thêm yêu môn lịch sử.

Hoạt động bắt mạch kê đơn diễn ra sôi. Hiện, trên địa bàn xã Cẩm Văn có Chi hội Đông y được thành lập vào khoảng cuối thập niên 50 thế kỷ XX, Chi hội vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Hàng năm chi hội đều tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn do Hội Đông y của Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức. Từ đó, nhằm nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi hội viên. Hiện, trong khuôn viên của khu di tích đền Bia có Phòng chẩn trị Đông y do Lương y Nguyễn Văn Cảnh phụ trách. Những ngày trọng hội, Ban Tổ chức mời một số hội viên Hội Đông y của tỉnh, huyện về phục vụ khách thập phương về dự hội. Hội viên là những người được đào tạo bài bản và trải qua quá trình công tác, một số là những Thầy Lang nhiều năm hoạt động việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Họ đều kế thừa và phát huy những thành quả mà Đại Danh y Tuệ Tĩnh để lại. Nhân dân và khách thập phương về dự lễ hội không chỉ có dịp tham quan vườn thuốc Nam tại di tích, tìm hiểu về nghề thuốc Đông Y cổ truyền mà còn được các Thầy Lang khám, điều trị và tư vấn sức khỏe sức khỏe miễn phí. Do vậy, những người đến với lễ hội dù ít hay nhiều cũng đều tham gia vào hoạt động này. Có người chỉ khám xem bản thân mình có bệnh tật gì không, có người khám xong xin thuốc, những thang thuốc này đều được đặt trên ban Thánh sau đó mới mang về dùng. Bên cạnh việc khám và điều trị, việc tuyên truyền giới thiệu về thuốc Đông Y cũng được Hội thực hiện một cách bài bản và sâu sắc. Qua đó, giúp cho người dân hiểu sâu hơn về công dụng của từng loại dược liệu.

Nhằm đa dạng các hoạt động trong lễ hội, trong những năm gần đây Ban Tổ chức mời thêm Hội Hán Nôm tỉnh về tham gia. Với mục đích giới thiệu đến nhân dân về chữ Hán, Nôm - Chữ viết của người dân nước ta dưới thời phong kiến và nghệ thuật viết chữ. Đặc biệt, các thành viên trong Hội đều là những người viết chữ đẹp, gồm cả chữ Hán Nôm và chữ Việt nên đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân. Trong địa phương hiện nay vẫn còn một số Cụ cao niên biết đọc và viết loại chữ này nên các hoạt động viết thư pháp được quan tâm ủng hộ. Nhân dân và khách thập phương đều muốn tìm hiểu, người biết muốn biết thêm, người không biết thì tò mò muốn biết. Do lễ hội thu hút nhiều người tham dự nên số người biết và yêu thích chữ Hán Nôm khá đông đảo. Nhiều người cũng có khả năng viết chữ Thư pháp nên việc trao đổi, bình luận diễn ra sôi nổi. Chữ Hán là loại chữ đa nghĩa, nhiều chữ mà ý nghĩa của nó như một niềm ước ao, thể hiện sự cầu mong của người dân. Vì vậy, nhiều người đến xin chữ. Tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình, cần phúc thì xin chữ Phúc, cần lộc xin chữ Lộc hay chữ  Chí, Tâm, Nhẫn… Mỗi chữ đều có một giá trị riêng nhưng đều mang ý nghĩa tốt đẹp. Những người đến xin chữ ngày càng đông nên hoạt động này thường được kéo dài đến hết kỳ lễ hội.

Theo Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Thực hiện hướng dẫn tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động năm học 2023-2024 của Liên ngành Phòng Giáo dục và Đào tạo- Liên đoàn Lao động huyện; được sự chỉ đạo của Chi bộ, BGH n ... Cập nhật lúc : 16 giờ 3 phút - Ngày 8 tháng 10 năm 2023
Xem chi tiết
Sáng ngày 05/9/2023, dưới ánh nắng vàng rực rỡ và trong cái gió heo may đầu thu, trường THCS Nguyễn Huệ long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 với chủ đề: "Đoàn kết, kỷ cương ... Cập nhật lúc : 19 giờ 44 phút - Ngày 5 tháng 9 năm 2023
Xem chi tiết
Danh sách trúng tuyển lớp 6 năm học 2023-2024 Trường THCS Nguyễn Huệ Tháng 6 năm 2023 ... Cập nhật lúc : 15 giờ 13 phút - Ngày 20 tháng 6 năm 2023
Xem chi tiết
* Tuyển sinh lớp 6: Danh sách phòng thi và quy định đối với học sinh tham gia kiểm tra, đánh giá năng lực tuyển sinh lớp 6, năm học 2023-2024 ... Cập nhật lúc : 11 giờ 25 phút - Ngày 14 tháng 6 năm 2023
Xem chi tiết
Thông báo: Phương án tuyển sinh và tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh dự tuyển vào lớp 6, năm học 2023-2024 ... Cập nhật lúc : 12 giờ 39 phút - Ngày 13 tháng 6 năm 2023
Xem chi tiết
Sáng ngày 27/5/2023, trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức Lễ tổng kết năm học 2022-2023 và lễ tri ân của học sinh lớp 9 niên khóa 2019-2023. Ông Nguyễn Văn Công-UV BTV- PCT thường trực UBND huyện ... Cập nhật lúc : 16 giờ 46 phút - Ngày 28 tháng 5 năm 2023
Xem chi tiết
Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Thư viện nhà trường kết hợp cùng với học sinh 3 lớp 8A,6C,6D tổ chức Ngày Hội sách với chủ đề " Dấu ấn tuổi trẻ qua những trang sách" ... Cập nhật lúc : 8 giờ 9 phút - Ngày 19 tháng 4 năm 2023
Xem chi tiết
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Ngày hôm nay, tuổi trẻ chính là mùa xuân của ... Cập nhật lúc : 11 giờ 21 phút - Ngày 6 tháng 4 năm 2023
Xem chi tiết
Đã bao lâu rồi bạn chưa khóc vì một cuốn sách? Đã bao lâu rồi bạn chưa tự tay bỏ chiếc smartphone thân thuộc xuống để thử bước ra ngoài và tìm những điều mới lạ, để hiểu hơn về cuộc sống ngo ... Cập nhật lúc : 15 giờ 5 phút - Ngày 15 tháng 3 năm 2023
Xem chi tiết
Lời đầu tiên cho phép chúng em gửi tới các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh lời chúc sức khỏe, chúc các thầy cô và các bạn có một tuần làm việc và học tập tràn đầy năng lượng! ... Cập nhật lúc : 10 giờ 44 phút - Ngày 12 tháng 12 năm 2022
Xem chi tiết
1234567891011121314151617181920...
DANH MỤC
ĐỀ THI, CHUYÊN ĐỀ
HƯỚNG DẪN CÁCH ĐƯA BÀI HỌC LÊN TRANG WEB TRƯỜNG HỌC KẾT NỐI
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2 MÔN NGỮ VĂN - NĂM HỌC 2015-2016
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ 2 MÔN TOÁN - NĂM HỌC 2015-2016
ĐỀ THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN NGỮ VĂN 9
ĐỀ THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN NGỮ VĂN 8
ĐỀ THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN NGỮ VĂN 7
ĐỀ THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN NGỮ VĂN 6
ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN TOÁN 8.
ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN TOÁN 9.
ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN TOÁN 7.
ĐỀ VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM THI ĐỊNH KỲ THÁNG 1/2016 MÔN TOÁN 6.
Đề và hướng dẫn thi định kì môn Toán 8
Đề và hướng dẫn thi định kì môn Toán 7
Đề và hướng dẫn thi định kì môn Toán 6
Đề và hướng dẫn thi định kì môn Tiếng anh 6, 7, 8
12
VĂN BẢN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Danh sách phòng kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh P8-P14
Danh sách phòng kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh P1-P7
Mẫu tờ khai y tế dành cho học sinh tham gia kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh
Quy định đối với học sinh tham gia kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh
Sơ đồ phòng kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh
Lịch kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh
Thời khóa biểu đợt 1 HKI năm học 2020-2021
Thời khóa biểu HKI - đợt 3 năm học 2019 - 2020 (thực hiện từ 16/9/2019)
Điều lệ quỹ khuyến tài Tây Bắc-Cẩm Giàng (2)
Điều lệ quỹ khuyến tài Tây Bắc-Cẩm Giàng (1)
Hướng dẫn viết SKKN năm học 2018 - 2019
Thời khóa biểu HKI - đợt 2 năm học 2018 - 2019 (thực hiện từ 10/9/2018)
Thời khóa biểu HKI - đợt 1 năm học 2018 - 2019 (thực hiện từ 27/8/2018)
Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2018 - 2019 của Phòng GD&ĐT Cẩm Giàng
Phụ lục Hướng dẫn viết SKKN năm học 2017 - 2018
12345678910...